Mẹ muốn hỗ trợ con phát triển tốt nhất về thể chất và cả trí não thông qua các món đồ con chơi hàng ngày trong giai đoạn 1 – 3 tuổi? Vậy tham khảo cách chọn đồ chơi cho trẻ từ 1 – 3 tuổi dưới đây xem sao nhé!
Đồ chơi cho bé 1 – 2 tuổi
Trẻ 1 – 2 tuổi vẫn đang tiếp tục phát triển về các kỹ năng vận động và sự nhạy bén của các giác quan. Chọn đồ chơi cho bé trong giai đoạn này, mẹ nên chọn các đồ chơi đơn giản, dễ hiểu, dễ chơi, dễ cầm nắm và nhiều màu sắc vừa kích thích trẻ chơi đùa vừa phù hợp với khả năng của bé.
– Các đồ chơi vận động như xe đẩy, quả bóng, xe đạp 3 bánh,… Trẻ cần có không gian đủ rộng và an toàn để chơi những trò này.
– Các đồ chơi kích thích não vận động:
+ Đồ chơi xếp hình (sắp xếp đồ vật/con số/chữ cái/hình khối): với các hình đơn giản, kích thước vừa đủ cho bé có thể cầm nắm, có thể có vài khớp nối đơn giản.
Mẹ nên hướng dẫn và cùng bé chơi, để bé thêm hào hứng và dễ dàng nhận biết cách chơi, dần phân biệt màu sắc, hình khối, trật tự lắp ghép,… Mẹ có thể khích lệ sự sáng tạo trong cách lắp ghép và sắp xếp của bé.
+ Đồ chơi đóng kịch: điện thoại đồ chơi, thú bông, búp bê, ngựa gỗ, xe đẩy em bé,…
Dựa vào sự quan sát non nớt của bé với sinh hoạt hàng ngày của mọi người trong gia đình, bé có thể bắt trước và thực hiện hành vi trên các món đồ chơi đóng giả này như nghe điện thoại, chăm em bé,…. Chúng sẽ giúp bé phát triển thêm về mặt cảm xúc và quan hệ xã hội.
+ Sách, hình với các hình ảnh vui nhộn nhiều màu sắc; băng đĩa nhạc thiếu nhi với các bài hát hay giai điệu, câu chuyện đơn giản… Chúng sẽ hỗ trợ tốt về thị giác và thính giác cho bé, đôi khi cả về ngôn ngữ.
+ Mẹ thêm cho bé những câu đố đơn giản bằng hình ảnh, đồ vật hoặc âm thanh giúp bé phát triển về nhận thức với sự vật và môi trường xung quanh.
1 – 2 tuổi trẻ cần những đồ chơi đơn giản, dễ hiểu, dễ chơi
Đồ chơi cho bé 2 – 3 tuổi
Giai đoạn này bé đã vận động khá linh hoạt, đã phát triển khá tốt và dần hoàn thiện về mặt ngôn ngữ. Bé thích thử nghiệm những trò mang tính “vật lý” và mạo hiểm hơn như leo trèo, nhảy từ trên cao, với tay đu đưa, chơi xe đẩy va chạm với các vật dụng khác,…
Bé thích giao tiếp hơn và bắt đầu có những câu hỏi, thích chơi nhiều hơn với bạn bè cùng lứa tuổi. Cha mẹ cần tham gia cùng bé vào các trò chơi phức tạp, trả lời đơn giản hóa các câu hỏi của bé và tạo điều kiện cho bé vui chơi cùng bạn bè.
Chọn đồ chơi cho bé giai đoạn này, mẹ thiên hướng hơn về các trò chơi phát triển về tư duy và ngôn ngữ cho bé:
– Các trò đóng giả phức tạp hơn như bộ đồ chơi nhà bếp, bộ đồ chơi xây dựng, búp bê với phụ kiện và quần áo đi kèm,…
– Các trò chơi xếp hình với cấp độ cao hơn, nhiều hình dạng hơn với nhiều cách lắp ghép.
– Các trò chơi về câu đố trên sách báo, tranh ảnh hay video clip dành cho thiếu nhi: sắp xếp/lựa chọn theo hình ảnh, màu sắc, hình dạng,..
– Sách ảnh với nhiều chi tiết cầu kỳ hơn.
– Các trò kích thích sáng tạo như tô màu, đất nặn, bảng đen và phấn, giấy vẽ,…
– Bé cũng có thể được giải trí thêm bằng các clip quảng cáo vui nhộn, bài hát, đĩa nhạc thiếu nhi, nghe đọc các mẩu truyện ngắn mang tính nhân văn và giáo dục,…
Với những cách chọn đồ chơi ở bài viết trên đây, hi vọng các bà mẹ sẽ chọn được cho con mình những mẫu đồ chơi phù hợp để trẻ phát triển tốt hơn nhé.